Làng Giang Cao Bát_Tràng

Lịch sử

Làng Giang Cao trước đây có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Ca và đến thời nhà Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. Làng Giang Cao nay có 6 xóm đánh số từ 1 đến 6[3].

Nghề làm gốm

So với lịch sử làm gốm làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao tuổi nghề còn trẻ (50 năm), nhưng với sự năng động sáng tạo và sức bật vào nghề của đội ngũ thợ trong làng nên sản phẩm gốm Giang Cao đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường[4].

Thời Pháp thuộc, năm 1941, ông Phán Sồ (người đã đỗ Tú tài) đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm sứ Ngọc Quang, được coi là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao[4].

Trước đây, phần lớn người dân làng Giang Cao làm nghề nông, một số người làm công nhân Xí nghiệp Sứ Bát Tràng, tới đầu những năm 1980 do làm ăn thua lỗ, Xí nghiệp Sứ Bát Tràng bị giải thể, năm 1986 trên cơ sở xóa bao cấp và đổi mới, một số hộ gia đình thôn Giang Cao với các kỹ thuật đã được rèn luyện trong môi trường Xi nghiệp Sứ Bát Tràng, đã phát triển việc làm gốm sứ tại gia đình và nhanh chóng phát triển ra toàn bộ thôn cho đến ngày nay.Đến năm 2010, làng Giang Cao có 41 công ty, doanh nghiệp tư nhân và 774hộ tham gia sản xuất gốm sứ. Sản phẩm gốm sứ ước tính theo quy đổi của làng luôn chiếm hơn 55% tổng sản phẩm của xã Bát Tràng. Sản phẩm gốm Giang Cao được chọn cung cấp nguyên liệu cho dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Cố đô Huế, khu chùa Bái Đính ở Ninh Bình[4]. Ngày 26/01/2010, làng Giang Cao đã được UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận đạt danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội cùng với 15 làng nghề khác[3].

Di tích lịch sử, văn hóa

  • Đình làng Giang Cao
Đình làng được xây dựng cách đây hơn 100 năm, hiện nay còn lưu giữ được chín bản sắc phong từ đời Vĩnh Khánh thứ II đến đời Khải Định. Đình được công nhận xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia[3].
  • Chùa Tiêu Dao[3]
  • Miếu Bản[3]
  • Văn Chỉ
Ghi tên các vị khoa bảng, đỗ đạt như cụ Nguyễn Văn Bính chánh tiến sĩ làm quan đến chức Thị lang, cụ Lương Công Bật, đỗ hương cống làm quan đến chức Hiệu lý Hàn lâm viện...[3].